Ở hai bài trước mình đã giới tiệu về tiêu cự của ống kính và khẩu độ của ống kính hôm nay mình sẽ nói tới tốc độ màn trập và độ nhạy sáng ISO của máy ảnh. Tốc độ màn trập cho biết thời gian ánh sáng đi vào cảm biến máy ảnh, sử dụng tốc độ chụp hợp lý sẽ giúp bạn tạo được những bức ảnh đúng sáng và những hiệu ứng khác biệt khi chụp các đối tượng khác nhau.
Cùng mình tìm hiểu về tốc độ màn trập là gì ở dưới bài viết dưới đây nhé.
Phần I – Tốc Độ Màn Trập
Định Nghĩa
Tốc độ màn trập (shutter speed) là khoảng thời gian màn trập mở để ánh sáng đi vào cảm biến máy ảnh, hay nói cách khác đây là khoảng thời gian để máy ảnh chụp một bức ảnh. Tốc độ màn trập trong phần lớn các trường hợp được đo bằng một phần của giây, thể hiện dưới dạng phân số-mẫu số càng lớn thì tốc độ càng nhanh (tức là 1/800s là nhanh hơn nhiều so với 1/60s). Trong trường hợp tốc độ màn trập là vài giây các bạn phải sử dụng thân máy để chống rung tay khi chụp.
Ảnh chụp ngọn nến với tốc độ màn trập khác nhau
Xem thêm : Tìm Hiểu Về Các Thông Số Máy Ảnh – Cân Bằng trắng và Picture Style
Những Điều Cần Biết Về Tốc Độ Màn Trập
-
Tốc Độ Màn Trập Nhanh
Khi chụp ở tốc độ màn trập nhanh, có thể giúp các bạn chụp được những khoảnh khắc chuyển động nhanh như hình ảnh các vận động viên đang chạy hay những chiếc xe đua đang di chuyển với tốc độ cao (đóng băng chuyển động).
Ảnh chụp các vận động viên chạy 100m tại Olympic ở tốc độ màn trập 1/1000s
-
Tốc Độ Màn Trập Chậm
Tốc độ màn trập chậm giúp ta chụp được những bức ảnh đang chuyển động sẽ bị nhòe tạo hiệu ứng đang di chuyển cho bức ảnh. Và tốc độ màn trập thích hợp cho chụp ảnh cần phơi sáng lâu để tạo ra những hiệu ứng ánh sáng tuyệt đẹp. Tuy nhiên lưu ý rằng khi tốc độ màn trập rất chậm (vài giây) cần có chân máy để không bị rung tay khi chụp.
Ảnh chụp các vận động viên chạy 100m tại Olympic ở tốc độ màn trập 1/160s
Ảnh chụp dải Ngân Hà tại thành phố Rye-Hoa Kỳ tuyệt đẹp với thời gian phơi sáng 30s
Ảnh chụp một đường phố tại Trung Quốc với tốc độ màn trập là 20s
Lựa Chọn Tốc Độ Màn Trập Phù Hợp
Các bạn có thể lựa chọn chế độ chụp tự động tính toán tốc độ màn trập, khi đó máy ảnh sẽ tính toán để cho tốc độ chụp phù hợp nhất. Tuy nhiên vì đấy là thuật toán nên không tránh khỏi những sai số và nhiều khi đúng ý muốn mình đang định chụp, do đó sử dụng chế chụp thủ công chỉnh tay sẽ giúp các bạn kiểm soát được tốc độ màn trập mong muốn. Dưới đây là các tốc độ chụp được các nhiếp ảnh gia hàng đầu khuyên dùng :
- Tốc độ 1/4000s: Đóng băng mọi chuyển động
- Tốc độ 1/2000s: Chụp đóng băng một chú chim đang bay
- Tốc độ 1/1000s: Bắt đứng chuyển động của xe hơi, xe máy
- Tốc độ 1/500s: Đóng băng chuyển động của các vận động viên, xe địa hình hoặc người đang chạy bộ
- Tốc độ 1/250s: Chụp sóng biển
- Tốc độ 1/125s: Dùng để chụp panning xe máy, xe ô tô (panning: bắt dính đối tượng đang chuyển động với phông nền nhòe tạo cảm giác chuyển động)
- Tốc độ 1/60s: Chụp panning xe địa hình đang di chuyển gần ống kính
- Tốc độ 1/30s: Chụp panning vận động viên đua xe đạp ở khoảng cách xa ống kính
- Tốc độ 1/15s: Chụp panning người chạy bộ, trẻ em đang nô đùa hoặc các con thú
- Tốc độ 1/8s: Làm mờ dòng nước đang chảy xiết gần ống kính
- Tốc độ 1/4s: Làm mờ chuyển động của người đi bộ
- Tốc độ 1/2s: Chụp nước động, tạo cho dòng nước mượt mà, êm dịu hơn.
- Tộc độ dưới 1s: Chụp phơi sáng, chụp dải Ngân Hà
Chú ý :
+ Mọi thông số ở phía trên chỉ mang tính tham khảo và có thể dao động tùy vào điều kiện thời tiết.
+ Một kinh nghiệm nên biết là khi chụp tay mà không có chân máy, thì nên chọn tốc độ màn trập tối thiểu là 1/độ dài tiêu cự. Ví dụ với một ống kính 200mm, sử dụng tốc độ màn trập ít nhất là 1/200s thì máy ảnh sẽ không bị rung do tay người cầm tránh làm mất chi tiết bức ảnh.
Phần 2 – Độ Nhạy Sáng ISO
Định Nghĩa
ISO là viết tắt của cụm từ International Standards Organization (Tổ chức tiêu chuẩn Quốc Tế), một cơ quan chuyên ban hành các tiêu chuẩn cho nhiều loại sản phẩm khác nhau. Sở dĩ dùng tên gọi này là vì các hãng sản xuất muốn có một tên gọi chuẩn mực cho giá trị độ nhạy sáng trên tất cả các dòng máy ảnh được sản xuất ra thị trường.
ISO là giá trị thể hiện độ nhạy sáng của cảm biến máy ảnh đối với ánh sáng khi đi vào máy ảnh. ISO cùng với tốc độ màn trập, khẩu độ là ba giá trị thông số quan trọng nhất quyết định đến khả năng phơi sáng và chất lượng của một tấm hình.
ISO càng cao thì độ nhạy sáng càng cao, phần lớn các máy hiện nay có dải ISO dao động trong khoảng từ 100-25600, Ở chế độ mở rộng có thể xuống thấp mức 50-80. Đối với các dòng máy cao cấp của nikon hiện nay như Nikon D5 thì giá trị ISO có thể lên tới 3.280.000 ở chế độ mở rộng.
Cài đặt ISO trong máy ảnh
Sự Ảnh Hưởng Của ISO Trên Bức Ảnh
Tùy từng điệu kiện chụp mà ta sử dụng các giá trị độ nhạy sáng khác nhau, ISO thấp thường được dùng trong điều kiện sáng mạnh, hoặc khi phơi sáng, còn ISO cao dùng khi chụp thiếu sáng hoặc chụp với tốc độ màn trập nhanh.
Ảnh chụp ngọn nến tại các giá trị ISO khác nhau ( cùng một tốc độ màn trập và khẩu độ)
-
Sử Dụng ISO Thấp
+ ISO 100-200 : Thường áp dụng trong các trường hợp chụp ngoài trời, sử dụng các nguồn ánh sáng tự nhiên mạnh. Ngoài ra ISO thấp còn được sử dụng trong khi chụp phơi sáng vì chụp phơi sáng ta cần điều chỉnh tốc độ màn trập chậm từ vài giây cho tới vài chục giây do đó để ISO thấp để ảnh chụp không bị các hạt noise (nhiễu)
+ ISO 300-500 : Thường được sử dụng khi chụp trong bóng râm, hay trời âm u. Hoặc khi các bạn khép khẩu độ để ảnh có thêm độ sâu trường ảnh, mà vẫn muốn giữ nguyên tốc độ chụp (ảnh thường bị nhòe tại tốc độ chậm, nếu không có chân máy) thì bắt buộc phải điều chỉnh ISO lên cao để ảnh được đủ sáng.
-
Sử Dụng ISO Cao
Khi chụp trong môi trường thiếu sáng mà không có đèn flash kèm theo thì lúc này chỉ có 2 cách để ảnh đủ sáng là (xét cho trường hợp khẩu độ giữ nguyên): giảm tốc độ màn trập hoặc là tăng ISO. Tuy nhiên việc giảm tốc độ màn trập xuống thấp chỉ thích hợp cho chụp ảnh phong cảnh phơi sáng ban đêm, kèm chân máy để ảnh chống bị rung nhòe. Do đó ta phải tăng ISO lên cao để ảnh được đủ sáng, giá trị ISO các bạn cứ nâng lên từ từ đến khi đến khi cảm thấy ảnh được đủ sáng như móng muốn.
Tại ISO thấp ảnh mịn màng, ISO cao ảnh bắt đầu có các hạt noise
-
Sự Nhiễu Hạt (Noise)
Khi càng tăng ISO khi chụp ảnh sẽ có các hạt noise, tại ISO quá cao các bạn sẽ nhận thấy điều này rõ nhất. Khi đủ sáng, độ nhạy ISO thấp, cảm biến máy ảnh không cần làm việc nhiều, do đó ảnh rất mịn. Ngược lại, khi không đủ sáng vào cảm biến, độ nhạy ISO cao, bộ phận này phải làm việc nhiều hơn để dựng lên một bức ảnh đầy đủ chi tiết, do đó sẽ xuất hiện những hạt noise “kỹ thuật số”.
Nói một cách dễ hiểu là : Mỗi bức ảnh đều được tạo thành từ các pixel, khi ảnh đủ lượng ánh sáng đi vào cảm biến thì các pixel được tạo thành sẽ có màu sắc nhất định giống với thực tế, nên ảnh mịn màng. Còn ngược lại khi không đủ lượng ánh sáng đi vào thì dẫn đến một số pixel được tạo thành sẽ không có màu sắc mà chỉ là các chấm đen. Lúc này thuật toán của máy ảnh sẽ lấy những pixel gần nhất có màu sắc và nội suy cho điểm đen này dẫn đến những pixel đó có màu sắc khác với thực tế và đó chính là các điểm noise ta nhìn thấy trên các bức ảnh ISO cao.
Kết Luận
Hy vọng qua 3 bài chia sẻ về khẩu độ, tiêu cự, tốc độ màn trập và độ nhạy sáng ISO của mình sẽ giúp các bạn mới bắt đầu tìm hiểu về nhiếp ảnh, hiểu thêm về những thông số quan trọng nhất này từ đó lựa chọn cho mình các thông số phù hợp với từng đối tượng khi chụp.
Hẹn gặp các bạn ở những bài tiếp theo của Tiệm Ảnh Sky nhé !
Xem thêm :
- Cách Chèn Chữ Vào Ảnh Nhanh Chóng
- Tách Nền Ảnh Trong Photoshop Cực Nhanh
- Những Điều Cần Biết Về Phục Chế Ảnh Cũ
Thông tin liên hệ
- Facebook: Trần Phú hoặc Tiệm Ảnh Sky
- Điện Thoại: 035.4593.189
- Email : [email protected]