Những Kinh Nghiệm Cần Biết Khi Chụp Ảnh Ngược Sáng

0
3898

Giới Thiệu

Chụp ảnh ngược sáng luôn đem lại cho chúng ta những bức ảnh vô cùng thú vị và tạo sức hút lớn cho người xem. Thời điểm thích hợp nhất để chụp ảnh ngược sáng là lúc bình minh hoặc hoàng hôn, đây là thời điểm ánh sáng mềm, không quá gay gắt và dễ tạo được các hiệu ứng màu sắc đẹp mắt, những bức ảnh nghệ thuật mang nhiều cảm xúc. Cùng mình tìm hiểu về kỹ thuật chụp ảnh ngược sáng ở dưới bài viết này nhé.

chup-anh-nguoc-sang-1

Bức ảnh cưới mình chụp ngược sáng hoàng hôn tại Đà Lạt khẩu độ F/2.0 – tốc độ 1/500s – ISO 100 – tiêu cự 35mm

Xem thêm :

Những Kinh Nghiệm Khi Chụp Ảnh Ngược Sáng

Thời Gian Và Địa Điểm

  • Về thời gian : lựa chọn thời gian ánh sáng mềm trong ngày là hoàng hôn hoặc bình minh. Vì khoảng thời gian của hoàng hôn hay bình minh thường diễn ra rất nhanh chỉ từ 15-20 phút do đó các bạn phải luôn đi trước để canh được khoảng thời gian đẹp này. Nên xem dự báo thời tiết trước buổi chụp để chắc chắn sẽ có thời tiết nắng đẹp cho buổi chụp.
  • Về địa điểm : Nên đi tìm hiểu trước địa điểm sẽ chụp, việc này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc chọn lựa góc chụp và lên ý tưởng bố cục cho các bức ảnh. Bức ảnh ngược sáng hoàng hôn hay bình minh đẹp nhất khi chụp trên bãi biển hoặc bờ sông, những nơi có không gian rộng lớn, ít chi tiết, có thể thấy rõ đường chân trời.

Chụp Ảnh Chân Dung Ngược Sáng

Đặc điểm của chụp chân dung ngược sáng là vẫn rõ và sáng được chi tiết của chủ thể, nhưng đồng thời phải nhấn mạnh chủ thể phía sau hay còn gọi là phần background.

Chụp chân dung ngược sáng luôn đem lại những bức hình có hiệu ứng tuyệt đẹp, đặc biệt là hiệu ứng Lens Flare. Đây là hiệu ứng tạo nên những quầng sáng hay vòng ánh sáng tuyệt đẹp khi chụp, để chụp có hiệu ứng flare rõ nhất các bạn nên tháo hood che nắng của lens ra.

chup-anh-nguoc-sang-2

Bức ảnh mình chụp cưới tại Đà Lạt khẩu độ F/2.0 – tốc độ 1/500s – ISO 100 – tiêu cự 85mm + không dùng hood che nắng tạo hiệu ứng Lens Flare tạo vòng ánh sáng tuyệt đẹp

  • Cài Đặt Máy Ảnh

+ Độ Nhạy Sáng ISO : Các bạn nên để ISO thấp nhất để tránh hiện tượng bị noise trên bức ảnh.

+ Lựa Chọn Điểm Lấy Nét

Nếu chúng ta chỉ sử dụng máy ảnh mà không có đèn flash hay tấm hắt sáng, thì khi chọn điểm lấy nét là người mẫu thì phần nền phía sau chắc chắn sẽ bị cháy sáng. Còn nếu lựa chọn điểm lấy nét là nguồn sáng thì ngược lại lúc này mẫu sẽ bị tối đi. Do đó để chụp được các bức ảnh chân dung ngược sáng đẹp các bạn nên sử dụng thêm nguồn sáng phụ là đèn flash hoặc tấm hắt sáng để làm sáng người mẫu lên.

Cách lấy nét: Các bạn lấy nét vào người mẫu, giảm bù sáng (EV) xuống 1-2 stop để lấy chi tiết và nhấn mạnh phần hậu cảnh không bị cháy sáng, đồng thời đánh đèn flash (hoặc dùng tấm hắt sáng) để người mẫu vẫn đủ sáng.

Chú ý : Trong trường hợp các bạn không có tấm hắt sáng hay đèn flash thì các bạn nên chụp vào thời điểm sự chênh lệch ánh sáng giữa nguồn sáng và người mẫu thấp. Đồng thời sử dụng mẹo chụp ảnh ngược sáng như sau: chụp liên tiếp 2 bức, một bức lấy nét vào người mẫu và một bức lấy nét vào nguồn sáng. Sau đó về sử dụng photoshop chồng hình hai bức khi đó ta sẽ có bức ảnh đủ sáng cả mẫu và nền background.

chup-anh-nguoc-sang-3

Bức ảnh mình chụp cúc họa mi năm 2019 tại khẩu độ f/2.0 – tốc độ 1/250s – ISO 100 – tiêu cự 135mm – EV (-1 Step) + kèm tấm hắt sáng

+ Lựa Chọn Khẩu Độ 

Vì chụp chân dung cần làm nổi bật chủ thể nên các bạn nên để giá trị khẩu độ lớn nhất hoặc gần lớn nhất của lens (thường là từ f/1.4 – f/4)

+ Chế Độ Đo Sáng : Nên sử dụng chế độ đo sáng điểm, để chỉ tập trung đo sáng tại điểm lấy nét là mẫu.

+ Lưu định dạng chụp file Raw để tiện cho việc hậu kỳ về sau

Chú Ý :

+ Nên sử dụng lens tiêu cự cố định (lens fix) để chụp ngược sáng sẽ cho chất lượng hình ảnh tốt nhất.

+ Sử dụng kính lọc Filter : Giúp chúng ta loại bỏ các tia sáng khuếch tán và phản chiếu thừa, tạo hiệu ứng màu sắc chân thực và sống động hơn.

+ Nếu muốn Hiệu ứng Lens Flare rõ nhất thì nên tháo hood che nắng của lens, tuy nhiên hiệu ứng Lens Flare dễ làm mất nét chủ thể nên nếu không thích điều này các bạn nên lắp hood che nắng cho lens.

Chụp Ngược Sáng Silhouettes (Bóng Đen)

Nếu như đối với chụp chân dung ngược sáng ta cần lấy rõ chi tiết trên cơ thể người mẫu, thì việc chụp ngược sáng kiểu bóng đen ta chỉ cần làm nổi bật hình dáng chủ thể trên một nền background sáng.

Chụp silhouettes tạo nên những bức ảnh có sự tối giản về màu sắc, tất cả được bao trùm chỉ còn lại những đường nét giữa ánh sáng và bóng tối đã tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt cho kiểu ảnh này. Đây là kiểu chụp rất thích hợp cho chụp ảnh cưới và chụp ảnh phong cảnh nhằm làm tăng giá trị của chủ thể trước một nguồn sáng.

chup-anh-nguoc-sang-4

Bức ảnh mình chụp cưới tại Đà Lạt khẩu độ F/4.0 – tốc độ 1/500s – ISO 100 – tiêu cự 85mm + hood che nắng

chup-anh-nguoc-sang-5

Bức ảnh mình chụp vào lúc bình minh trong chuyến du lịch tại đảo Bình Ba- Khánh Hòa bằng lens 24mm tại khẩu độ F/8 – tốc độ 1/500s – ISO 200

  • Cài Đặt Máy Ảnh

+ Khẩu độ: Nếu chụp có chủ thể là người nên để từ f/4 – f/5.6, còn đối với chụp phong cảnh nên để khẩu độ từ f/8 – f/16. Khép khẩu để tạo được độ sâu trường ảnh và để chủ thể cũng như phần lớn mọi thứ khác hiển thị trong hình ảnh sẽ được lấy nét.

+ Độ Nhạy Sáng ISO: Cũng giống như khi chụp chân dung ngược sáng các bạn nên để ISO thấp nhất để tránh noise.

+ Đo Sáng Nền Và Lựa Chọn Điểm Lấy Nét

Đo sáng nền : Để đo sáng nền khi chụp silhouettes các bạn hãy chọn đo sáng vào một trong các vùng sáng của background thay vì đo sáng trực tiếp vào chủ thể cần chụp. Để làm được điều này, chỉ cần đơn giản hướng ống kính vào vùng sáng và có độ tương phản rõ rệt, sau đó nhấn nhẹ nút chụp hình nhanh để máy tự động đo sáng và đưa ra các thông số khẩu/tốc độ tương ứng. Khi có được giá trị khẩu độ và tốc độ này, hãy ghi nhớ chúng để có thể thiết lập lại cho đúng trong chế độ chụp thủ công (Manual) sau đó.

Lựa chọn điểm lấy nét : Sau khi đã có được thông số tốc độ và khẩu độ chuyển sang chế độ chụp thủ công M, và lấy nét vào chủ thể của bức ảnh. Nếu chụp ở chế độ M mà vẫn chưa có bóng đen cần thiết thì các bạn tăng tốc độ màn trập lên.

Trong trường hợp lấy nét tự động khó khăn thì có thể chuyển qua lấy nét thủ công bằng tay (gạt nút AF trên ống kính sang MF)

+ Nên sử dụng hood cho lens để tránh hiện tượng bị lóa (hiệu ứng Lens Flare)

+ Tuyệt đối không sử dụng đèn flash

+ Nên chụp file Raw để tiện cho việc hậu kỳ về sau.

chup-anh-nguoc-sang-6

Bức ảnh chụp nhóm bạn trên bãi biển tại khẩu độ F/5.0 – tốc độ 1/500s – ISO 100 – tiêu cự 35mm (nguồn Unsplash)

chup-anh-nguoc-sang-7

Bức ảnh chụp cố gái và chú chó tại khẩu độ f/4.0 – tốc độ1/80s – ISO 400 – tiêu cự 100mm (nguồn Unsplash)
chup-anh-nguoc-sang-8
Bức ảnh chụp bãi biển tại Los Angeles với khẩu độ ƒ/16 – tốc độ màn trập 1/200s – ISO 400 – tiêu cự 70mm (nguồn Unsplash)

Kết Luận

Chụp ảnh ngược sáng là một kỹ thuật chụp không hề đơn giản, bạn phải nắm bắt và cảm nhận được ánh sáng tốt, hiểu về bố cục cũng như vận dụng thành thạo các thố số tùy chỉnh của máy ảnh. Tuy khó nhưng bù lại những bức ảnh chụp ngược sáng luôn sức hấp dẫn riêng và thường mang tính nghệ thuật cao.

Để chụp ngược sáng đẹp các bạn phải luyện tập nhiều, những thông số cài đặt mình đưa ra ở trên chỉ là các bước căn bản để tham khảo, tùy vào ánh sáng môi trường và trường hợp cụ thể sẽ có cách cài đặt và vận dụng khác nhau. Nhiếp ảnh là trò chơi với ánh sáng, làm chủ được nó bạn sẽ thấy chụp ảnh thật đơn giản.

Nhớ theo dõi thường xuyên các bài viết của Tiệm Ảnh Sky bên mình nhé !

Xem thêm 

Thông tin liên hệ

5/5 - (4 votes)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here