Chia Sẻ Kinh Nghiệm Chụp Phơi Sáng Đường Phố

0
7468

Giới Thiệu

Chụp phơi sáng là một thể loại rất thích hợp để chụp cảnh vật ban đêm, những bức ảnh chụp phơi sáng luôn có những hiệu ứng và màu sắc rất đẹp. Chụp phơi sáng có thể hiểu một cách đơn giản nhất là giảm tốc độ màn trập của máy ảnh xuống để thu được nhiều ánh sáng hơn mà không sử dụng đèn flash, định nghĩa thì có thể đơn giản nhưng để chụp được những bức ảnh phơi sáng đẹp thì không hề đơn giản. Chụp phơi sáng có rất nhiều thể loại, tuy nhiên do giới hạn nên bài viết này mình sẽ tập trung vào việc chụp vệt sáng của xe cộ đi lại trên đường phố.

chup-phoi-sang-1

Bức ảnh chụp tại thành phố Dubai – UAE ở tiêu cự 16mm – khẩu độ ƒ/11 – tốc độ màn trập 6s – ISO 200 (Nguồn Unsplash)

Xem thêm : 

Những Thể Loại Thường Chụp Phơi Sáng

Chụp ảnh Millky Way (dải Ngân Hà) và chụp Sao Chạy là những thể loại chụp phơi sáng rất được yêu thích đối với các bạn đam mê thiên văn học, đây là hai thể loại cần công sức và sự chuẩn bị rất nhiều so với chụp phơi sáng trên đường phố.

Chụp Milky Way, Chụp Sao Chạy

Những bức ảnh chụp Milky Way hay chụp Sao Chạy có thể lột tả hết được những vẻ đẹp của bầu trời về đêm mà mắt người khó nhìn thấy hết. Để chụp được những bức ảnh Milky Way đẹp, các địa điểm được chụp phải cách xa đô thị để không có sự ô nhiễm ánh sáng, những địa điểm thích hợp thường là các vùng núi, ngoài đảo và các vùng nông thôn.

Về cơ bản kỹ thuật chụp Milky Way và chụp Sao Chạy khá giống nhau, tuy nhiên thời gian để chụp một bức Sao chạy có thể lên tới vài giờ đồng hồ phơi sáng, trong khi Milky way chỉ là vài chục giây. Do đó khi chụp Sao chạy người ta thường chụp nhiều bức có độ phơi sáng vài chục giây và dùng các phần mềm để stack ảnh lại tạo thành một bức hoàn chỉnh.

Chụp ảnh Milky Way và chụp Sao Chạy là một kỹ thuật chụp khá phức tạp, bạn phải nắm bắt hiểu về bố cục cũng như vận dụng thành thạo các thố số tùy chỉnh của máy ảnh, hậu kỳ thành thạo. Ngoài ra yếu tố thời tiết cũng vô cùng quan trọng trong chụp thể loại này.

Để hiểu chi tiết về cách chụp Milky Way các bạn đọc bài mình đã chia sẻ ở bài viết lần trước, sau đây: Hướng Dẫn Cách Chụp Milky Way Chi Tiết

chup-phoi-sang-2

Bức ảnh Milky Way chụp tại bãi biển Badavut Thổ Nhĩ Kỳ – Canon EOS 60D – tiêu cự 17mm ƒ/2.8 – 30s – ISO 200 (nguồn Unsplash)

chup-phoi-sang-3

Bức ảnh chụp Sao Chạy tại Canaria, Tây Ban Nha tại tiêu cự 14mm – khẩu độ ƒ/2.8 – tốc độ màn trập 25s – ISO 6400 – Stack 80 tấm liên tiếp (nguồn Unsplash)

Chụp Vệt Sáng Trên Đường Phố

Đây là thể loại được khá nhiều bạn yêu thích, đặc biệt là những bạn hay chụp ảnh đường phố. Vì tốc độ màn trập thấp cho nên khi chụp ánh sáng do các phương tiện đi lại trên đường sẽ tạo thành vệt sáng kéo dài, uốn lượn theo các cung đường trông rất đẹp mắt.

Cài Đặt Máy Ảnh Cho Chụp Vệt Sáng Trên Đường Phố

Việc đầu tiên là các bạn cài đặt máy về chế độ chỉnh tay hoàn toàn (chế độ M) để dễ dàng cài đặt và chỉnh các thông số mong muốn. Lưu ảnh ở chế độ file Raw để có thể hậu kỳ chỉnh sửa về sau được.

Lựa chọn những nơi có nhiều xe cộ đi lại và có góc chụp rộng để ghi toàn bộ các vệt sáng vào khung ảnh, địa điểm lý tưởng là trên các tòa nhà cao tầng hoặc trên những cây cầu sẽ giúp bạn chụp được dễ dàng hơn. Sử dụng chân máy ảnh để chống rung khi chụp và tiến hành cài đặt theo các giá trị ở dưới đây :

Khẩu Độ

Khác với chụp Milky Way và chụp Sao Chạy là cài đặt khẩu độ lớn để thu được nhiều ánh sáng nhất, thì chụp ảnh đường phố thường có nhiều nguồn sáng khác nhau do đó khép khẩu độ (khẩu độ khuyên dùng là từ 9 – 16) sẽ cho ta bức ảnh có chiều sâu và nét hơn. Việc khép khẩu nhỏ cũng giúp ta tạo được các hiệu ứng tia sáng nhiều cánh từ các nguồn sáng không di chuyển đặc biệt là đèn đường. Xem ảnh dưới đây bạn sẽ thấy rõ điều đó :

chup-phoi-sang-4

Bức ảnh chụp tại thành phố Toronto, Canada ở tiêu cự 35mm – khẩu độ ƒ/22 – tốc độ màn trập 20s – ISO 100 (Nguồn Unsplash)

Tốc Độ Màn Trập

Tốc độ màn trập là khoảng thời gian màn trập mở ra và đóng lại để lượng ánh sáng đi vào máy ảnh, để thu được những vệt sáng bắt buộc bạn phải để tốc độ màn trập thấp, thường là vài giây cho tới vài chục giây tùy vào lượng phương tiện trên đường. Các bạn nên chụp nhiều tấm ở cùng một vị trí với các khoảng thời gian khác nhau để tìm cho mình giá trị tốc độ màn trập phù hợp nhất của buổi chụp.

Bức ảnh dưới đây chụp tại một cây cầu có ít người qua lại nên thời gian phơi sáng lên tận 80s để có thể thu được những tia sáng kéo dài tuyệt đẹp.

chup-phoi-sang-5

Bức ảnh chụp tại cầu Djurhamn, Thụy Điển ở tiêu cự 16mm – khẩu độ ƒ/5.6 – tốc độ màn trập 80s – ISO 200 (Nguồn Unsplash)

Độ Nhạy Sáng ISO

Việc sử dụng tốc độ màn trập thấp cho phép giảm ISO thấp để ảnh không bị noise. Cài đặt ISO thấp nhất cho máy ảnh, thường giá trị này là 100, tuy nhiên có thể tăng lên một chút nếu ảnh chưa đủ ánh sáng mà vẫn muốn giữ nguyên thông số khẩu độ và tốc độ màn trập. Hai bức ảnh dưới đây đều cài đặt ISO rất thấp khi chụp :

 

chup-phoi-sang-6

Bức ảnh chụp tại thung lũng Primiero, Italia – tại khẩu độ ƒ/18 – tốc độ màn trập 10s – ISO 100 (Nguồn Unsplash)

chup-phoi-sang-7

Bức ảnh chụp các tia sáng từ đèn đường ở tiêu cự 20mm – Khẩu độ ƒ/16 – Tốc độ màn trập 20s – ISO 200 (Nguồn Unsplash)

Lựa Chọn Tiêu Cự Phù Hợp

Để phù hợp với  chụp ảnh phong cảnh ban đêm các bạn nên lựa chọn tiêu cự góc rộng để có thể dễ dàng cho việc tạo bố cục chụp cho bức ảnh. Tiêu cự thường được ưu tiên phù hợp cho thể loại phong cảnh đường phố là từ 14mm-35mm

Kết Luận

Qua bài chia sẻ trên của mình hy vọng sẽ giúp ích cho nhiều bạn có thể hiểu thêm về cách chụp ảnh phơi sáng đường phố. Đây là một chủ đề chụp khá thú vị, tạo được các hiệu ứng đẹp mắt và khai thác được cảnh đẹp về đêm về đêm mà mắt người không nhận ra được.

Để chụp được những bức phơi sáng đẹp các bạn phải nắm rõ về cách cài đặt các thông số, lựa chọn bố cục hợp lý và trên hết phải thực hành nhiều để có cho mình những kinh nghiệm riêng cho chủ đề chụp phơi sáng này.

Nhớ theo dõi thường xuyên các bài viết của Tiệm Ảnh Sky bên mình nhé !

Xem thêm :

Thông tin liên hệ

5/5 - (4 votes)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here